Tâm lý mẹ bầu sẽ thường có những nỗi lo lắng và sợ hãi bởi những vấn đề xảy ra với thai nhi trong quá trình thai kỳ. Trong đó thai lưu có lẽ là nỗi lo sợ lớn nhất mà bất cứ bà bầu nào cũng mong muốn nó không xảy ra. Vậy thai lưu là gì? Những nguyên nhân nào dẫn đến thai chết lưu? Cùng chúng tôi tìm hiểu sâu hơn trong bài viết dưới đây nhé!
Thai lưu là gì?
Thai lưu hay còn gọi là thai chết lưu là hiện tượng thai đã chết ngoài thời kỳ chuyển dạ sau 20 tuần mà không được tống xuất ra bên ngoài. Thời gian lưu lại từ buồng tử cung đến lúc thai không còn sống và được tống xuất ra bên ngoài trung bình khoảng 48 giờ.
Thai lưu được phân loại theo độ tuổi của thai nhi:
- Thai lưu sớm khi thai từ 20-27 tuần tuổi
- Thai lưu muộn khi thai từ 28-36 tuần tuổi
- Thai lưu từ 37 tuần tuổi trở lên hoặc khi sinh.
Nhiều thai phụ còn nhầm lẫn giữa khái niệm sảy thai và thai lưu. Tuy nhiên, mặc dù đều là tình trạng thai chết trước lúc sinh nhưng với khái niệm thai lưu thì thai sẽ chết sau 20 tuần tuổi, còn sảy thai thì thì trước 20 tuần tuổi.
Nguyên nhân thai chết lưu
Sau khi tìm hiểu về khái niệm thai lưu, bà mẹ cần nắm được một vài nguyên nhân gây ra thai lưu. Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thai chết lưu. Có thể nguyên nhân về phía mẹ, về phía thai hoặc thậm chí là phần phụ của thai. Bao gồm:
Nguyên nhân từ phía mẹ
- Do các bệnh liên quan đến nhiễm trùng cấp tính: viêm phổi, cúm,..
- Do tình trạng nhiễm trùng máu gây nên.
- Do thai phụ mắc các bệnh lý mạn tính: bệnh lý tim mạch, suy thận, suy gan…
- Do các bệnh lý chuyển hóa gây nên: đái tháo đường, bệnh bướu giáp, tăng sinh chức năng thận…
- Thai phụ mắc các bệnh lý về ký sinh trùng, nhiễm virus: sốt rét, viêm gan B, cúm…
- Thai phụ sử dụng các thuốc chữa ung thư cũng là nguyên nhân dẫn đến thai chết lưu.
- Do các biến chứng của tiền sản giật, rau bong non…
- Thai phụ sử dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá…
- Ngoài ra, mẹ mang thai trên 35 tuổi, mẹ béo phì cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến thai lưu.
Nguyên nhân do thai
- Thai dị dạng, thai vô sọ, não úng.
- Thai bị rối loạn nhiễm sắc thể có thể do di truyền hoặc đột biến trong quá trình tạo noãn, trứng, tinh trùng, phôi. Ở các bà mẹ trên 40 tuổi, tỷ lệ và mức độ rối loạn sẽ tăng lên.
- Bất đồng miễn dịch mẹ và con do các yếu tố Rh.
- Thai bị già tháng làm bánh nhau bị lão hóa, không đủ dưỡng chất để nuôi dưỡng thai.
- Đa thai…
Nguyên nhân từ phần phụ của thai nhi
Ngoài những nguyên nhân từ phía mẹ và từ phía thai, một số trường hợp thai chết lưu có thể đến từ phía phần phụ của thai. Chẳng hạn như các bệnh lý của bánh nhau như phù nhau, nhau bong non, nhau bị xơ hóa ở nhiều chỗ. Bên cạnh đó còn có thể do bất thường về dây rốn, số lượng nước ối bất thường.
Tuy nhiên, thực tế lâm sàng cho thấy rằng có đến 50% trường hợp thai bị chết lưu mà không rõ nguyên nhân là gì dù đã sử dụng các phương tiện khám chữa bệnh tiên tiến và các xét nghiệm hiện đại bậc nhất.
Dấu hiệu, triệu chứng thai chết lưu
Mẹ bầu cần nắm rõ các dấu hiệu nhận biết, triệu chứng của thai chết lưu để có hướng giải quyết và điều trị kịp thời:
Chảy máu âm đạo
Chảy máu âm đạo là một trong những dấu hiệu mà thai phụ cần đặc biệt quan tâm. Khi thai chết lưu sẽ dẫn đến hiện tượng nhiễm trùng tử cung dẫn đến vỡ ối và ra máu âm đạo màu nâu đen. Vì vậy, khi phát hiện có hiện tượng ra máu bất thường cần đến ngay bác sĩ sản khoa để kiểm tra tình trạng thai từ đó có hướng xử trí phù hợp và kịp thời.
Đau bụng
Dấu hiệu đau bụng thường xuất hiện ở thai phụ có hiện tượng thai chết lưu, đặc biệt là khi thai đã lưu trong bụng một thời gian dài và bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu nhiễm trùng. Ngoài đau bụng, thai phụ cũng có thể xuất hiện triệu chứng đau nhức lưng dữ dội, chuột rút, thân nhiệt tăng…
Bề cao tử cung không tăng hoặc giảm
Nếu trong lần khám thai định kỳ phát hiện chiều cao của tử cung không tăng lên thậm chí bị giảm đi thì có thể là dấu hiệu nhận biết của thai lưu. Vì số đo này thước đo phản ánh tuổi của thai nhi. Nếu chỉ số này không tăng thì bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra kỹ hơn để phát hiện bất thường.
Không có thai máy
Sau 20 tuần tuổi sẽ bắt đầu có thai máy và những cử động của thai. Những cử động này, mẹ là người nhận biết rõ nhất. Vì vậy, nếu một ngày mẹ không còn thấy thai máy nữa, thai không chuyển động và không còn đạp mẹ như trước nữa thì rất có thể thai đã chết lưu. Cần ngay lập tức đến bác sĩ để thăm khám và kiểm tra trong thời gian sớm nhất có thể.
Một số dấu hiệu và triệu chứng thai lưu khác có thể kể đến như: bụng và vú bắt đầu nhỏ dần đi, siêu âm không thấy tim, không còn nghén và buồn nôn như trước, ăn uống trở lại bình thường như lúc chưa mang thai…
Sau khi được chẩn đoán thai lưu, thai phụ cần làm gì?
Khi được chẩn đoán thai lưu, thai phụ sẽ được bác sĩ chỉ định các phương pháp tống xuất thai ra ngoài bằng nạo thai lưu, nong cổ tử cung, gắp thai ra ngoài, sử dụng thuốc gây sảy thai…
Sau khi đã tống xuất thai ra ngoài, thai phụ cần có một khoảng thời gian dài để phục hồi về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, trung bình khoảng 3 tuần. Chồng và các thành viên trong gia đình cần động viên tinh thần, ở bên để an ủi người vợ vượt qua sự mất mát, cú sốc tinh thần đau buồn này. Thời gian có thể từ vài tuần cho đến vài tháng. Nếu sau đó, người phụ nữ cảm thấy xuất hiện triệu chứng của trầm cảm sau sinh như: mất ngủ, chán ăn, sợ tiếp xúc với mọi người xung quanh thì hãy đến ngay bác sĩ tâm lý để được điều trị kịp thời.
Khi đã khỏe mạnh hoàn toàn, thoải mái tinh thần và có nhu cầu về tình dục thì có thể quan hệ vợ chồng nhưng phải sử dụng các biện pháp tránh thai như xuất tinh ngoài, bao cao su tối thiểu trong thời gian tầm 3 tháng để tránh mang thai lại.
Để chuẩn bị tốt cho lần mang thai tiếp theo, cả vợ lẫn chồng tốt hơn hết nên đi khám sức khỏe tổng quát và duy trì các thói quen sinh hoạt điều độ, khoa học. Nên bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng như tinh bột, đạm, chất béo và các sinh tố, khoáng chất thiết yếu khác. Ngoài ra, cả hai vợ chồng nên tránh sử dụng các chất như rượu bia, thuốc lá, yếu tố gây kích thích tinh thần.
Một lời khuyên cuối cùng, trong quá trình thai kỳ nên đi khám thai sớm và thường xuyên vào các mốc quan trọng để có thể theo dõi sự phát triển toàn diện của thai nhi. Dựa vào đó bác sĩ sản khoa sẽ có những phương án điều trị thích hợp.
Kết luận
Bài viết trên chúng tôi đã cung cấp thông tin hữu ích để giúp bạn phần nào hiểu được khái niệm thai lưu là gì, nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết dẫn đến thai chết lưu. Hy vọng qua bài viết trên sẽ giúp các bà mẹ có thêm thật nhiều kiến thức hữu ích để bổ sung vào cẩm nang chăm sóc thai của chính mình nhé!